Học Văn bằng 2 Đại học Luật ra làm luật sư được không?
NỘI DUNG
Học văn bằng 2 Đại học Luật ra làm Luật sư hay làm ngành gì khác
Học xong Văn bằng 2 Đại học Luật ra làm luật sư- Điều kiện để trở thành Luật sư, cấp chứng chỉ, thẻ hành nghề Luật sư.
Để trở thành Luật sư tại Việt Nam, một cá nhân có thể mất một thời gian ít nhất là trên 6 năm( hoặc có thể dài hơn) vì phải hoàn thành tất cả các khóa học, chương trình học, tập sự, kiểm tra theo quy định.
Các điều kiện cơ bản để trở thành Luật sư bao gồm:
1/ Có bằng cử nhân Luật:
Tức là cá nhân phải tốt nghiệp trường Luật, khoa Luật của trường Đại học (thông thường sẽ là 4 năm học)
2/ Có bằng tốt nghiệp chương trình đào tạo Luật sư:
Lớp học được đăng ký tại Học viện tư pháp (quy định hiện hành được học trong 12 tháng), sau đó đạt kết quả qua kỳ thi tốt nghiệp của Học viện tư pháp, và được cấp bằng tốt nghiệp lớp Luật sư.
3/ Trải qua kỳ tập sự tại Tổ chức hành nghề Luật sư:
Sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo Luật sư, cá nhân bắt buộc phải đăng ký trở thành tập sự tại 1 tổ chức hành nghề Luật sư với thời gian 12 tháng.
4/ Đạt điểm tại kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư:
Sau khi hoàn thành thời gian tập sự, người tập sự được tham gia kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư. Và nếu đạt điểm thì được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư. Nếu không đạt điểm theo quy định thì được gia hạn tập sự và tham gia kỳ kiểm tra lại. Và nếu kỳ kiểm tra lại vẫn chưa đạt điểm qua thì người tập sự hành nghề Luật sư phải đăng ký tập sự lại từ đầu (12 tháng nữa).
5/ Cấp chứng chỉ và gia nhập đoàn Luật sư, cấp thẻ hành nghề Luật sư:
Nếu đạt kết quả trong kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư thì cá nhân làm hồ sơ theo quy định để xin cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ tư pháp cấp, cấp thẻ hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp.
6/ Hành nghề Luật sư:
Sau khi được cấp chứng chỉ, gia nhập đoàn, cấp thẻ hành nghề Luật sư thì Luật sư được lựa chọn tổ chức hành nghề Luật sư để hành nghề, hoặc hành nghề với tư cách cá nhân và phải đăng ký với Sở tư pháp địa phương nơi hành nghề.
Ngoài ra các bạn còn có các ngành khác để lựa chọn nếu không làm luật sư
Học ngành Luật làm việc tại Viện kiểm sát
Hệ thống viện kiểm sát được tổ chức ở ba cấp từ cao đến thấp như sau: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cuối cùng là Viện kiểm sát nhân dân huyện, hoặc quận ,thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ngoài ra hệ thống Viện kiểm sát nhân dân còn có Viện kiểm sát quân sự gồm Viện kiểm sát quân sự trung ương và Viện kiểm sát quân sự của các quân khu.
Học Luật công tác tại Cơ quan thi hành án
Nếu bạn thích nghề chấp hành viên thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ là nơi bạn làm việc ở các tỉnh trực thuộc trung ương có phòng thi hành án trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh còn ở huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh thì có các đội thi hành án trực thuộc Phòng Tư pháp huyện. Các phòng thi hành án và đội thi hành án được tổ chức ở tất cả các địa phương trong phạm vi toàn quốc.
Phòng công chứng nhà nước
Ở bất cứ tỉnh, ở thành phố nào trên đất nước chúng ta cũng có phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp. Có một số địa phương còn có nhiều phòng do nhu cầu công chứng của nhân dân càng ngày càng tăng. Ví dụ như ở Hà Nội có 4 phòng công chứng, TPHCM có 5 phòng công chứng. Thế mà khi đi công chứng, chúng ta thường vẫn phải đợi rất lâu. Bởi vậy, Nhà nước đang xem xét việc “xã hội hóa” công chứng, có thể hiểu nôm na là cho phép thành lập các văn phòng công chứng của tư nhân.
Bộ Tư pháp
Đây là cơ quan quản lý nhà nước của Chính phủ trong lĩnh vực pháp luật, gồm nhiều đơn vị trực thuộc: các vụ chuyên môn, cơ sở đào tạo và nghiên cứu, cơ quan báo chí, cơ quan xuất bản.
Cơ quan tư pháp ở địa phương có các Sở Tư pháp ở các tỉnh, các thành phố trực thuộc trung ương; Phòng Tư pháp ở huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, riêng ở phường, xã, thị trấn thì có các Ban Tư pháp cơ sở. Ở đây, bạn sẽ thường xuyên được tiếp xúc, và giúp đỡ những người cùng xã, cùng phường với mình trong các công việc pháp lý như khai sinh, khai tử v.v…
Bộ phận pháp chế
Các bạn có thể lựa chọn nơi công tác tương lai của mình ở bộ phận pháp chế của Văn phòng Quốc hội, hay Văn phòng Chính phủ, tại các Bộ, các ngành… những cơ quan này đều cần những cán bộ pháp lý giỏi chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo các vấn đề về pháp luật, gồm cả việc soạn dự thảo các văn bản luật.
Cơ quan thanh tra các Bộ, ngành
Ở các Bộ, ngành, ngoài công tác ở bộ phận pháp chế, các bạn còn có cơ hội làm việc ở bộ phận thanh tra. Với nhiệm vụ kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại, bộ phận này rất cần những người có chuyên môn ngành luật.